Câu chuyện kết nối

Bây giờ, có biết bao là khái niệm về “phương pháp lãnh đạo” và “người lãnh đạo”. Nào là, “lãnh đạo là người biết truyền cảm hứng”. Nào là, “lãnh đạo là người dẫn đường”. Nào là, “lãnh đạo là người gây ảnh hưởng”… Trong bài này, chỉ gói gọn trong hai từ “kết nối”, “kết nối” là để tạo ra nguồn lực. Lãnh đạo là người biết kết nối để tạo ra nguồn lực, nguồn lực cho mình, tổ chức của mình, địa phương của mình .

Nguồn lực của mỗi tổ chức là hữu hạn. Nguồn lực của con người, trong đó, có người lãnh đạo, lại càng hữu hạn. Nguồn lực không chỉ là ngân sách và đất đai, cơ sở vật chất và trang, thiết bị. Còn có những nguồn lực quan trọng hơn như : thông tin và kiến thức, tư duy và tầm nhìn. Các nguồn lực quan trọng như vậy không thể “tự dưng” đến người lãnh đạo, mà phải biết kết nối, kết nối từ bên trong tổ chức và kết nối với bên ngoài tổ chức.

Bên trong mỗi tổ chức có đội ngũ nhân viên. Mỗi nhân viên là một nguồn lực cho tổ chức đó. Nhưng từng cá nhân đều có “cái tôi” của riêng mình. Có “cái “tôi” tích cực, cũng có “cái tôi” tiêu cực. Lãnh đạo là người biết kết nối nhân viên lại với nhau, hướng tới một mục tiêu chung, một tầm nhìn chung, một sứ mạng chung. Trong quá trình đó, kết nối những “cái tôi”, dung hoà những “cái tôi” để bổ khuyết cho nhau, và để bổ khuyết cho cả cái hữu hạn của người lãnh đạo.

Kết nối trong nội bộ vẫn là chưa đủ. Thế giới này mênh mông vô cùng. Kiến thức là bao la, vô tận. Cái mới luôn xuất hiện hàng ngày, từng giờ. Cái mới chưa kịp định hình thì đã có cái mới hơn xuất hiện. Lãnh đạo mà chỉ “quanh quẩn trong bốn bức tường, vào ra khuôn viên tổ chức” thì sẽ mất đi thời cơ kết nối với những người giỏi hơn mình, kiến thức uyên thâm hơn mình, kinh nghiệm từng trải hơn mình. Kết nối thêm được với một người như lát thêm một viên đá trên con đường đi đến thành công của mỗi người. “Thành công là nhận ra những gì bạn biết chỉ là hạt cát trong biển khơi. Thất bại là nghĩ bầu trời trên miệng giếng là cả thế giới”!

Muốn kết nối, cần chủ động tìm ra không gian thích hợp và hoà nhập vào không gian đó. Trong tổ chức thì tạo ra cơ hội để mỗi người gắn bó với nhau, sẵn sàng chia sẻ với nhau, kích hoạt những sáng kiến mới, cổ vũ tinh thần sáng tạo ở mỗi người. Muốn vậy, phải vượt qua những rào cản như mệnh lệnh một chiều, áp đặt, khuôn cứng. Muốn vậy, người lãnh đạo phải hiểu rằng, mình cần sự chung tay góp sức của từng người trong tổ chức. Khi biết mình cần người khác thì mình sẽ ứng xử sao cho đúng mực, đối đãi sao cho chân thành, quan hệ sao cho gần gũi, gắn bó. Có một doanh nhân nổi tiếng đúc kết: “Thành công của tôi là nhờ tôi tạo ra hạnh phúc cho nhân viên của mình”. Đơn giản vậy thôi mà!

Mỗi tổ chức cũng có giới hạn và nguồn lực trong tổ chức cũng mang tính hữu hạn. Vậy là, phải mở ra không gian kết nối rộng hơn, kết nối được nhiều người hơn. Khi nhận thấy mình cần kết nối để tạo thêm nguồn lực thì cơ hội kết nối đến sẽ đến ở mọi lúc, mọi nơi. Tham gia hội thảo, hội nghị cũng là thời cơ kết nối với nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. Một chuyến tham quan, giao lưu nơi này nơi kia cũng là cơ hội kết nối nhiều người ở các vùng miền khác nhau. Trong một bàn tiệc chiêu đãi, đâu chỉ là “chuyện ăn, chuyện uống”, mà cũng là cơ hội kết nối với người này, người nọ.

Kết nối có tính bắt cầu. Kết nối được với một người sẽ tạo cơ hội kết nối với một vài người khác, và cứ thế sẽ kết nối thêm với nhiều người nữa theo cấp số nhân. Khi ấy, thông tin, kiến thức, tư duy, tầm nhìn cũng được mở rộng thêm theo cấp số nhân. Thành công của một người đâu chỉ nhờ kiến thức, kỹ năng, mà còn nhờ vào những mối quan hệ. Những mối quan hệ trong xã hội tạo ra những vòng tròn các mối quan hệ. Vòng tròn càng mở rộng, nguồn lực giúp cho người lãnh đạo thành công càng to lớn. Một người đâu chỉ có một, mà còn có nhiều vòng tròn mối quan hệ bao quanh mình. Như vậy, kết nối để mở rộng đường kính của vòng tròn và tạo ra càng ngày càng có nhiều vòng tròn hơn.

Người lãnh đạo đừng tự giới hạn không gian quan hệ, xem nhẹ các mối kết nối với nhân viên bên trong tổ chức và những người giỏi bên ngoài tổ chức của mình. Người lãnh đạo kết nối với bên ngoài để kết nối bên ngoài với bên trong, làm cho nhân viên bên trong có cơ hội được kết nối với bên ngoài. Đó cũng là cách để nhân viên trong tổ chức nắm bắt thông tin, mở mang kiến thức, trải rộng tầm nhìn. Đó là cơ hội để nhân viên của mình có điều kiện trao đổi, giao lưu, học tập để trưởng thành hơn. 

Xã hội mênh mông, nhiều người không có điều kiện để tự mình kết nối với người khác. Khi ấy người lãnh đạo phải tạo ra chất kết dính để kết nối những nhóm người trong xã hội. Kết nối giữa người sản xuất và người tiêu thụ. Kết nối để nông sản vào các trung tâm phân phối. Kết nối giữa trí thức và nông dân. Kết nối giữa chuyên gia và người khởi nghiệp. Trong thời đại công nghệ, chỉ bằng công cụ internet như thư điện tử, facebook, mạng zalo… là có thể kết nối được rồi. Đơn giản là nhận thức được tầm quan trọng và giá trị của “câu chuyện kết nối”.

Hãy biết kết nối! Có một suy nghĩ trong một quyển sách hay: “Những người bạn gặp trên đường đời sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Dù tốt hay xấu, họ cũng tặng bạn kinh nghiệm sống tuyệt vời!”.

Xích Lô

(Theo báo Đồng Tháp)

LIÊN HỆ:

Ms. Mai Trang – Chuyên viên tư vấn 

HP: 0976.022.804 

Tel: (028) 39.484.494 – Fax: (028) 38.112.750  

Email: info@nangsuatxanh.vn  

Website: www.nangsuatxanhgroup.com

             www.nangsuatxanh.vn